

Giải đáp vướng mắc lĩnh vực hình sự cơ quan viện kiểm sát 2023
Tư vấn, nghiên cứu luật
1. Hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu…
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu. Theo quan điểm của Vụ 14 thì tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu là hậu quả của hành vi xâm phạm sở hữu (cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) mà người phạm tội thực hiện dẫn đến phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Hậu quả này phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi xâm phạm sở hữu.
Ví dụ: Đối tượng thường xuyên trộm cắp tài sản là vật nuôi tại khu dân cư[1],… Ngoài ra, các đơn vị có thể tham khảo thêm hướng dẫn về tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nêu tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 về hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
2. Khoản 1 Điều 475 BLTTHS quy định thời hạn giải quyết khiếu nại của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Quy định như vậy là không bảo đảm thời hạn giải quyết, nhất là những vụ việc phức tạp vì cần phải rút hồ sơ, nghiên cứu, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, kịp thời xem xét, xử lý, đối với các quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật, khoản 1 Điều 475 và các quy định khác của BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu thường là 07 ngày và thời hạn giải quyết lần hai là 03 ngày là hợp lý, đòi hỏi cơ quan giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại cần nhanh chóng xem xét, giải quyết.
Đây là kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015.
3. Quy định nhận dạng, nhận biết giọng nói chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 lại quy định được thực hiện trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm. Như vậy, dẫn đến mâu thuẫn, áp dụng không thống nhất. Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 147 BLTTHS theo hướng bổ sung một số biện pháp điều tra có thể áp dụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, như: đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, để đảm bảo việc giải quyết nguồn tin về tội phạm có đủ căn cứ và đúng quy định của pháp luật, đồng thời tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các điều luật khác. Vì giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã quy định là một giai đoạn tố tụng hình sự thì không cần hạn chế biện pháp điều tra mà cần áp dụng các biện pháp điều tra phù hợp để chứng minh được có hay không có tội phạm và người phạm tội bởi vì đây là giai đoạn quan trọng để điều tra tránh oan, sai.
Khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định:
“3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”.
Như vậy, ngoài 04 hoạt động cụ thể (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản) thì khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động mang tính chất chung (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 thì: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: d) Có mặt khi đối chất; nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân thì “Khi thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân cỏ liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS được thực hiện cụ thể như sau: ….2. Tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình theo sự phân công của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015)”.
Do vậy, mặc dù không được quy định cụ thể tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 nhưng khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói với tính chất để kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, không được hiểu là những biện pháp điều tra theo các quy định của BLTTHS năm 2015[2] trong giai đoạn điều tra.
4. Cách tính thời gian có hiệu lực thi hành của quyết định tha tù trước thời hạn giữa Tòa án và VKS chưa thống nhất.
Căn cứ khoản 2 Điều 337 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn kháng nghị: “Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định”.
Căn cứ Điều 343 BLTTHS năm 2015 quy định về hiệu lực của bản án, quyết định số thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị: “Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”.
Như vậy, thời hạn thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được xác định là hết 15 ngày (sau 15 ngày), kể từ ngày Tòa án ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
5. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa quy định rõ thời gian kể từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; chưa quy định thời gian trình Chủ tịch nước xét ân giảm án tử hình và thời gian Chủ tịch nước ký Quyết định chấp thuận hoặc bác đơn đối với người bị kết án tử hình dẫn đến để án kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ.
Giải đáp:
Về thời hạn quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm
Nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự mà được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau: “Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.
Về thời gian Chủ tịch nước ký Quyết định chấp thuận hoặc bác đơn đối với người bị kết án tử hình
Pháp luật về tố tụng, thi hành án và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan không quy định thời hạn Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm án tử hình. Để giúp Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm án tử hình, Văn phòng Chủ tịch nước đã cùng với các cơ quan VKSND tối cao, TAND tối cao ban hành quy chế phối hợp (Quy chế số 581QCPH/VPCTN-VKSNDTC ngày 14/4/2022, Quy chế số 582QCPH/VPCTN-TANDTC ngày 14/4/2022), trong đó có các nội dung về trao đổi, phối hợp trong việc chuyển giao văn bản, tài liệu giữa Văn phòng Chủ tịch nước với hai cơ quan để làm cơ sở, căn cứ giúp cho Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm án tử hình.
6. Chưa có hướng dẫn đối với những trường hợp bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo áp dụng trước khi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm nghĩa vụ thi hành án chưa có hướng dẫn việc bắt buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS và Luật Thi hành án hình sự năm 2019
Căn cứ khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khoản 2 Điều 207 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì trường hợp bị kết án tù cho hưởng án treo áp dụng trước khi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm nghĩa vụ thi hành án sẽ không áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 để bắt buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo.
7. Việc thông báo để nhận xác đối với người nước ngoài khi thi hành án tử hình
Vấn đề này đã được quy định tại các điều 10, 13, 14 và 20 của Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/10/2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
8. Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao mâu thuẫn với quy định tại tiểu mục 6.2 Mục 6 và tiểu mục 7.3 Mục 7 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 khi quy định “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma tuý
Căn cứ Điều 25, khoản 4 Điều 154, khoản 2 Điều 172 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007 không có giá trị hướng dẫn đối với các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Công văn số 5442/VKSTC-V14 nêu trên dựa trên các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); đồng thời, có tham khảo hướng dẫn của TAND tối cao tại Công văn số 89/TAND-PC ngày 30/6/2020.
9. Hướng dẫn thực hiện khoản 4 Điều 163 BLTTHS về nội dung “Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can có thẩm quyền điều tra hành vi của bị can xảy ra tại địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác” tại Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của VKSND tối cao gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Nông khi phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử bị can vừa phạm tội ở tỉnh Đắk Nông vừa phạm tội ở tỉnh khác dẫn đến bị VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm (Quyết định kháng nghị số 191/QĐ/VC3-V1 ngày 22/7/2021 kháng nghị Bản án số 21/2020HS-ST ngày 24/6/2020 của TAND tỉnh Đắk Nông vì vi phạm khoản 4 Điều 163 BLTTHS).
Khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”. Do vậy, nội dung hướng dẫn tại Công văn số 5887/VKSTC-V14 là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 nêu trên, theo đó, Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi bị can cư trú hoặc nơi bị can bị bắt có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau.
10. Khó khăn khi thực hiện Công văn số 3269/VKSTC-V14 ngày 29/7/2020 của VKSND tối cao với Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về hành vi đánh bạc, tại mục 4 Điều 1 khi xử lý hành vi đánh đề của một người trong 1 lần, 1 ngày với tổng số tiền đánh là 5 triệu đồng nhưng chia đều theo kết quả xổ số của đài Miền Bắc, Miền Nam hoặc Miền Trung
Công văn số 3269/VKSTC-V14 ngày 29/7/2020 của VKSND tối cao nêu quan điểm trao đổi về nhận thức pháp luật hướng dẫn trong việc xác định số tiền đánh bạc 01 lần để xử lý hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi số đề dựa trên cơ sở vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 và mang tính chất tham khảo bởi VKSND tối cao không có thẩm quyền tự mình hướng dẫn chi tiết quy định của BLHS. Do vậy, trong thời gian chưa có văn bản quy phạm hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, VKS các cấp cần chủ động phối hợp, thống nhất với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để xử lý, có thể vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 trong giải quyết vụ án, vụ việc cụ thể.
Về khó khăn, vướng mắc liên quan đến tội Đánh bạc, Vụ 14 và Vụ 7 đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Công văn của VKSND tối cao gửi TAND tối cao về việc kiến nghị sửa đổi Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP (Công văn số 3687/VKSTC-V7 ngày 16/9/2021, Công văn số 3652/VKSTC-V14 ngày 29/8/2018). Qua trao đổi nắm được, hiện nay, các đơn vị có trách nhiệm của TAND tối cao đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về tội Đánh bạc. Để bảo đảm giải quyết kịp thời, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn liên quan đến tội phạm này, Vụ 14 đã đề xuất Lãnh đạo VKSND tối cao giao Vụ 7 trên cơ sở rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc qua công tác nghiệp vụ của đơn vị, VKS các cấp tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao có văn bản đề nghị TAND tối cao nghiên cứu, quy định giải quyết đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong dự thảo Nghị quyết nêu trên.
11. Không lấy được lời khai của người bị tố giác, lời khai của những người có liên quan đến vụ việc thì có được xác định là “Đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hay không?
Việc không thể lấy lời khai của người bị tố giác hoặc lời khai của người liên quan đến vụ việc không phải là căn cứ để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS, bởi vì, theo quy định của pháp luật[3], người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm có quyền không cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm cả thông tin về địa chỉ thường trú). Trường hợp không biết người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm đang ở đâu nhưng trong đơn tố giác, tin báo về tội phạm đã có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để kiểm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền vẫn phải tiếp tục xử lý theo quy định mà không được ra quyết định tạm đình chỉ. Trường hợp không biết người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm đang ở đâu và thông tin tố giác, tin báo không đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh, nếu xác định được có dấu hiệu tội phạm thì liên ngành tố tụng ở địa phương phải phối hợp, đánh giá chứng cứ, xem xét, cân nhắc để ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển sang giai đoạn điều tra để có thể thực hiện các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ; hoặc nếu không xác định được có dấu hiệu tội phạm thì không khởi tố vụ án căn cứ theo quy định tại Điều 143 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.
12. Đề nghị VKSND tối cao tiếp tục quan tâm, chỉ đạo kịp thời đối với những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án giết người nhưng bị hại không chết, từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể; hướng dẫn về việc xác định như thế nào được xem là “bỏ trốn”, trường hợp người bị hại cố tình trốn tránh việc dẫn giải và hướng dẫn cụ thể vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản
Về khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án giết người những bị hại không chết, từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, người bị hại cố tình trốn tránh việc dẫn giải
Hiện nay, Bộ Công an đã ban hành Công văn số 2854/CSĐT-C01 ngày 16/6/2021 (Mật) hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp dẫn giải quy định tại Điều 127 BLTTHS, trong đó đã hướng dẫn về việc ra quyết định dẫn giải, những trường hợp có thể bị dẫn giải và việc tổ chức thi hành dẫn giải.
Về việc xác định như thế nào được xem là “bỏ trốn”
Các đơn vị, VKS có thể tham khảo câu số 43.1 Phần I Cuốn giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy đã giải đáp việc áp dụng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: “Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý đối với người phạm tội, cần thu thập tài liệu chứng minh: người phạm tội đã nhận được tài sản nhưng sau đó bí mật đi khỏi nơi đăng ký thường trú, nơi tạm trú, nơi làm việc mà không thông báo cho chủ tài sản, những người sống cùng, làm việc cùng, người thân thiết biết. Người phạm tội cắt đứt liên lạc với chủ sở hữu tài sản như thay đổi, chặn số điện thoại, địa chỉ email, mạng xã hội,…”.
Về vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì đồng phạm là trường hợp có 02 người trở lên cố ý thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản. Tùy từng vụ án cụ thể mà các cơ quan có thẩm quyền phải đánh giá tính chất, mức độ hành vi của người giúp sức để xác định việc tạo những điều kiện vật chất hay tinh thần cho việc thực hiện tội phạm như: giúp sức về vật chất là các trường hợp cung cấp tiền bạc, công cụ, phương tiện, khắc phục những trở ngại… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hành thực hiện tội phạm; giúp sức về tinh thần là các trường hợp như: chỉ dẫn, cung cấp tình hình, cổ vũ, kích động, ủng hộ tinh thần, góp ý, vạch kế hoạch, cách thức thực hiện tội phạm, hoặc hứa hẹn che giấu, không tố giác, hứa hẹn nuôi dưỡng người thân sau khi phạm tội, hoặc tạo dựng cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó đối với người thực hiện tội phạm… để đánh giá về vai trò giúp sức của đồng phạm trong các vụ án chiếm đoạt tài sản.
13. Hướng dẫn tại mục 3, phần I, Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao về việc áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS đối với người xúi giục là người dưới 18 tuổi còn chưa thống nhất, bởi có trường hợp người xúi giục còn ít tuổi hơn người bị xúi giục
Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao, theo đó: Phần thứ nhất và Chương XII của BLHS năm 2015 không có quy định loại trừ việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người xúi giục là người dưới 18 tuổi, do đó, nếu người dưới 18 tuổi có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì vẫn có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Tuy nhiên, khi áp dụng tình tiết này, cần bảo đảm nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS. Bởi, theo quy định tại Điều 90 BLHS thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo nhũng quy định của Chương XII; theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 mà không trái với quy định của Chương này”.
Nguồn tham khảo: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
Voucher Shopee 50% Voucher Lazada 50%
Email: tailieuluatkinhte1327@gmail.com
Facebook:https://www.facebook.com/profile.php?id=100070191410664